Khám phá đảo Hòn Dấu

Mắt ngọc của thiêng liêng của Tổ quốc
14 tháng 8, 2023 bởi
Hiền

Đảo Hòn Dấu thuộc quận Đồ Sơn là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tại Quyết định số 320/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009. Với diện tích chỉ 1.3 hecta, nhưng đảo Hòn Dấu là cả một thế giới kỳ thú chờ du khách khám phá và trải nghiệm, với 3 điểm nhấn chính : đền thờ Nam Hải Thần Vương, quần thể cây di sản đa búp đỏ, và ngọn đèn biển lâu đời nhất Việt Nam.


Bước chân lên bến tàu cập mạn đảo, điểm đến đầu tiên du khách được tham quan, là đền thờ Nam Hải Thần Vương, nơi hội tụ văn hóa tâm linh của nhân dân vùng duyên hải Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và tương truyền lại, lúc đó là thời điểm sau trận thủy chiến của quân dân nhà Trần với giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Hôm đó vào ngày 9 tháng 2 âm lịch năm 1288, khi trời sẩm tối những ngư dân đang đánh cá gần đảo Hòn Dấu thì phát hiện thấy một cỗ thi thể lập lờ trên sóng nước. Khi đốt đuốc tới gần thấy thân người này mặc áo giáp trụ, qua trang phục và tất cả những gì thu thập được mọi người nhận định đây chính là một vị võ tướng nhà Trần hy sinh trong trận chiến vệ quốc và đã trôi dạt về đây. Với tất cả lòng thành kính, họ đã cung nghênh di thể tướng quân lên đảo trong đêm tối để hôm sau an táng. Nhưng khi trời vừa sáng, những người có mặt đã vô cùng ngạc nhiên thấy thi thể vị võ tướng bị mối đùn lên lấp kín. Biết ngài  được thiên tang, họ đã cùng nhau quỳ xuống khẩn cầu xin được sửa sang phần mộ cho đẹp đẽ, làm nơi thờ tự, tôn ngài làm linh thần nơi này. Thời gian sau đó người ta thấy vị võ tướng hiển linh thành một ông già râu tóc bạc phơ, khi ngồi câu cá, lúc dạo chơi. Hỏi quý danh, ngài chỉ cười gật gù, dõi mắt về hướng biển rồi biến mất. Từ đó, người Đồ Sơn thành kính gọi cụ là Lão Thần Đảo. Theo Đại Nam Nhất thống chí và tương truyền, vị thần đảo này đã 2 lần hiển linh trước các bậc quân vương. Lần thứ nhất là vào thời Lê, khi vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn và nghỉ đêm trên Đảo Dấu, đêm đó nhà vua đã mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, vai đeo chiếc giỏ, tay cầm cần câu, tự xưng là thần Đảo. Sáng hôm sau lên thuyền nhà vua kể lại câu chuyện cho đoàn tùy tùng cùng nghe rồi nói " Nếu là thần Đảo, hãy cho ta một báo ứng ". Vừa dứt lời, có một con cá quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, vua bèn sắc phong cho tước hiệu Lão Đảo Thần Vương rồi truyền cho trăm họ lập đền thờ phụng. Lần khác, tương truyền vào thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức đi thuyền rồng kinh lý ra Bắc gặp sóng to, gió lớn, trời lại mưa tầm tã. Khi đến đảo Hòn Dấu, nghe các quan địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của Lão Đảo Thần Vương, nhà vua liền thành tâm cầu nguyện. Vừa dứt lời, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, sóng yên biển lặng, nhà vua liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương. Để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng, người dân Đồ Sơn mở hội từ ngày 1 tháng 2 âm lịch hàng năm, hội chính diễn ra vào 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10 để cầu cho Quốc thái dân an. Trong lễ hội có tục rước đèn, thả thuyền giấy vào đầu giờ Tí ( tức 23giờ đêm), điều đặc biệt là khi nghi lễ diễn ra mặt biển quanh đảo Hòn Dấu lại nổi lên sóng to gió lớn như minh chứng cho lòng thành kính của muôn dân đối với người. Đền Nam Hải Thần Vương được xây dựng nằm ngay sát bờ biển, nép mình dưới tán đa cổ thụ, giữa không gian mênh mông, khoáng đạt của biển trời Đồ Sơn. Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh với 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Đến nay dự án đã hoàn thành gồm các hạng mục như đền thờ Nam Hải Thần Vương, khu lăng mộ, tháp chuông, đền Chúa , 2 nhà chờ đón khách và các công trình phụ trợ như:  Nghi môn, , kè bờ biển và sân đền…


Du khách tiếp tục hành trình đến với điểm nhấn tiếp theo trong chuyến hành trình khám phá đảo Hòn Dấu, đó chính là khu rừng nguyên sinh với tâm điểm độc đáo là quần thể đa búp đỏ đã có từ 400 đến 700 năm tuổi. Trong tầng tầng lớp lớp những tán cây cổ thụ trên đảo Dấu, bao phủ nhiều nhất chính là những cây đa búp đỏ. Đa búp đỏ thuộc loại tứ quý, với đặc trưng phần ngọn có một búp đa màu đỏ rực, còn gọi là đa dai hay đa cao su có nguồn gốc từ vùng Đông bắc Ấn Độ. Đây là quần thể cây di sản hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là có mặt nhiều nhất và lâu đời nhất tại đảo Dấu, Đồ Sơn. Mỗi khi du khách có dịp tới tham quan đảo Dấu thì không quên dừng lại nơi này để chiêm ngưỡng, chụp ảnh với tán lá xanh thấp thoáng những búp đa đỏ như ngọn đuốc, và chạm nhẹ vào thân cây cầu mong cho sự may mắn. Hiện tại trong quần thể đa búp đỏ trên khu rừng nguyên sinh ở đảo Dấu, Đồ Sơn này có tổng cộng khoảng hơn 70 cây có độ tuổi trên 100 năm. Có thể nói đây là khu rừng đa búp đỏ lớn nhất Việt Nam hiện nay, trong đó 35 cây đa với độ tuổi từ 400- 700 năm tuổi được đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản Việt Nam vào năm 2013.


Bước tiếp trên con đường độc đạo xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, du khách dần lên đỉnh núi, tiếp tục khám phá một điểm đến kỳ thú của đảo Dấu : đó chính là ngọn hải đăng đầu tiên của Việt Nam- hải đăng Hòn Dấu, với lịch sử hơn 100 năm tuổi. Người Pháp cho xây dựng Hải đăng đảo Dấu với mục đích dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Ngọn đèn được xây dựng  năm 1892, hoàn thành năm1896. Hải đăng đảo Dấu thời kỳ này được xây dựng bằng các phiến đá xanh và các vật liệu khác do người Pháp xây dựng quản lý. Ngày 13/5/1955, giải phòng Hải Phòng, đến ngày 15/5/1955, ta tiếp quản hải đăng Hòn Dấu và các hải đăng khác từ tay người Pháp. Sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc Việt Nam thì hải đăng đảo Dấu có nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng cho bạn bè quốc tế đến với Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1966, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, giặc Mỹ bắt đầu đánh phá Hải đăng đảo Dấu và hệ thống báo hiệu hàng hải, rải thủy lôi nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng, cản trở tàu của các nước XHCN chở hàng viện trợ cho Việt Nam. Năm 1994, Bảo đảm An toàn Hàng hải Việt Nam tiến hành xây dựng lại Hải đăng đảo Dấu trên nền cũ và theo hình dáng cũ của người Pháp, kết cấu công trình chủ yếu bằng bê tông cốt thép. Chiều cao công trình là 61,5m tính từ mực nước biển. Tầm hiệu lực ánh sáng của đèn hiện nay là 24 hải lý( 44 km). Đèn hải đăng hiện nay dùng bằng năng lượng mặt trời và bình ác quy.


Danh lam thắng cảnh Đảo Hòn Dấu phường Vạn Hương quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng là Di tích cấp Quốc gia theo QĐ số 320 ngày 22 tháng 1 năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


         


Hiền 14 tháng 8, 2023
Chia sẻ bài này
Tag
Lưu trữ