Bến Nghiêng

Nơi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền bắc
17 tháng 8, 2023 bởi
Hiền

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), quận Đồ Sơn nằm sâu trong vụng địch tạm chiến. Khi đó, Bến Nghiêng (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) được thực dân Pháp lựa chọn và biến nơi đây thành một căn cứ quân sự nhỏ. Thực hiện hiệp định Giơnevơ, bến Nghiêng đã trở thành một chứng tích lịch sử đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Chính tại nơi đây, những tên lính thất trận cuối cùng của thực dân Pháp đã phải xuống tàu về nước. 


Theo tài liệu lịch sử, tháng 12-1946, thực dân Pháp đánh chiếm lại quận Đồ Sơn. Với vị trí chiến lược, thuận lợi về giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một căn cứ quân sự với nhiều công trình được xây dựng như sân bay, bến tàu, đường xá, hầm hào, lô cốt…

Thời điểm đó, nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt của đế quốc Mỹ, ngoài việc sử dụng các bến cảng khác được xây dựng từ trước, quân Pháp đã lựa chọn bến Nghiêng và biến nơi đây thành một bến cảng quân sự riêng ở Đồ Sơn để tập kết, vận chuyển các phương tiện chiến tranh.


Vốn là một quân cảng nước nông, Pháp còn có ý định nạo vét luồng lạch để tàu lớn có thể ra vào tại đây. Song do thời gian và khả năng tài chính có hạn, lại vấp phải sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân vùng Đồ Sơn nên chúng phải từ bỏ ý đồ này.

Tháng 5-1954, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, theo hiệp định Giơnevơ, Đồ Sơn nằm trong vùng tập kết 300 ngày cho quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam.

Theo đó, vào tháng 5-1955, tại bến Nghiêng, một chiếc tàu quân sự kiểu há mồm đã đợi sẵn để đón đoàn quân thất trận tại Đông Dương về nước. Sự kiện tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Bến Nghiêng đã trở thành minh chứng cho sự thất bại hoàn toàn của cuộc chiến tranh phi nghĩa.


Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Nghiêng một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ vận tải tiếp tế hàng hóa cho cuộc chiến đấu bảo vệ đảo đèn Hòn Dáu – mắt ngọc của Tổ quốc.

Bến Nghiêng vẫn còn khá nguyên vẹn. Hiện, di tích Bến Nghiêng tọa lạc trong một khung cảnh hữu tình. Sau lưng là ngọn núi vươn mình ra biển thuộc dải Cửu Long tạo thành một vụng nhỏ mang hình tay ngai.

Phía trước mặt bến là bãi tắm khu II trông ra cửa biển Ba Lộ, nơi vua Lý Thánh Tông vào thế kỷ XI đã tựng ngự du để thị sát bảo vệ bờ cõi rồi cho xây dựng tháp Tường Long. Dấu ấn của di tích bến Nghiêng là bến tàu nhỏ được xây dựng bằng xi măng, cốt thép có kiểu dáng nằm nghiêng.


Góp phần giới thiệu nội dung và giá trị di tích, năm 2005, biểu tượng của bến Nghiêng được thành phố xây dựng và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 * 13-5-2005). Công trình được xây dựng tại vị trí phía Đông bên tay phải trên đầu bến.

Di tích bến Nghiêng với những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây đã trở thành một bằng chứng quan trọng minh chứng cho quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ của người dân miền biển Đồ Sơn.

Ngày nay, bến Nghiêng vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Đồ Sơn. Cùng với năm tháng vẫn nguyên vẹn và ngày càng trở thành một "địa chỉ đỏ" giá trị trong công cuộc giáo dục truyền thống kháng chiến của dân tộc ta.

Hiền 17 tháng 8, 2023
Chia sẻ bài này
Tag
Lưu trữ