Đến với Đồ Sơn, chúng ta không chỉ được tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp sơn thủy hữu tình mà còn có dịp về với những di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Ít ai biết rằng, một khu du lịch biển nổi tiếng như Đồ Sơn lại có một địa điểm là nơi xuất phát của những “con tàu không số”, làm nhiệm vụ bí mật chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, không đâu khác đó chính là bến tàu không số K15 - Đồ Sơn, Hải Phòng.
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, di chuyển về hướng Nam, xuôi trên con đường đôi mang tên nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng dài khoảng 20km, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm quận Đồ Sơn.
Tiếp tục dọc theo bãi tắm khu I, khu II rồi vượt qua con đường dốc men theo sườn núi vào bãi tắm khu III, hiện ra trước mắt du khách là khách sạn Vạn Hoa (nay là Casino Đồ Sơn) nằm thơ mộng trên đỉnh đồi.
Phía dưới chính là chân núi Vạn Hoa hay còn gọi là núi Nghinh Phong - điểm nút cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn, cũng chính là bến K15- nơi xuất phát của những “con tàu Không số”. Trước khi đi đến khu vực Đài tưởng niệm hình cánh buồm của Di tích, quý khách sẽ qua Đền thờ Quận Công Đô Đốc và hương linh các anh hùng liệt sỹ của Đoàn tàu Không số, đối với người dân Đồ Sơn, Nam Hải Quận Công (Quận Công Đô Đốc) được thờ phụng như một vị thần biển, phù hộ cho những chuyến ra khơi của dân làng được mưa thận gió hòa.
Di tích lịch sử Bến tàu không số K15 Đồ Sơn còn có tên gọi là "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", KM số 0, H10 - những tên gọi ấy đều là để chỉ nơi xuất phát của những “con tàu không số”, chi viện cho chiến trường miền Nam, không có số, không phải là vì tàu không có số mà những con tàu xuất phát từ bến K15 thường mang rất nhiều biển số, mỗi cung đường biển lại là một biển số khác nhau nhằm giữ bí mật quân sự và tránh được sự truy vết gắt gao của quân địch, còn sở dĩ nơi đây có tên gọi K15 là vì kí hiệu chữ K là kí hiệu của ngành hàng hải ở Việt Nam, còn 15 là xuất từ Nghị quyết thứ 15 của TW Đảng lúc bấy giờ
Ngược dòng lịch sử, theo những tài liệu còn ghi chép lại, năm 1959, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập 2 con đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đó là con đường vận tải xuyên dãy Trường Sơn và con đường vận tải xuyên biển Đông.
Đến tháng 10-1961, Bộ Quốc Phòng ra nghị quyết thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với nhiệm vụ ban đầu được giao là “Mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Xưởng đóng tàu Hải Phòng khi đó cũng được giao nhiệm vụ bí mật đóng loại tàu vỏ gỗ gắn máy để phục vụ cho công tác vận tải.
Tháng 10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ gắn máy đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” rời bến K15 lên đường vào Nam Bộ.
Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, phải chịu sóng to gió lớn, tàu Phương Đông I đã khôn khéo lách qua hệ thống hàng rào phong tỏa gắt gao của địch, vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) và cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thành công đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.
Những năm 1963-1964, phong trào cách mạng miền nam phát triển mạnh mẽ, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Xưởng đóng tàu Hải Phòng đóng mới những con tàu sắt, trọng tải lớn hơn, có thể đi biển xa hơn trong mọi thời tiết, phục vụ công tác vận chuyển. Ngày 17-3-1963, chuyến tàu sắt đầu tiên do Thuyền trưởng Ðinh Ðạt chỉ huy chở 44 tấn vũ khí lên đường, đến đêm 23 rạng sáng 24-3 cập bến Bát Sát (Trà Vinh). Chuyến đi thành công trước sự ngỡ ngàng của quân và dân Trà Vinh. Chiến công này đã có sự đóng góp lớn lao của tập thể Xưởng đóng tàu Hải Phòng. Chỉ trong một năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn về phương tiện, trang bị, nhưng Xưởng đóng tàu đã tích cực, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành 10 con tàu sắt bàn giao cho Ðoàn 759. Ðây là dấu hiệu mở màn cho giai đoạn phát triển nhảy vọt của công tác vận chuyển quân sự trên biển.
Trên con đường biển mang tên Bác Hồ kính yêu, mỗi chuyến đi của những con tàu không số là một cuộc đọ sức, một cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù hung bạo hơn ta nhiều lần về sức mạnh, là đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mỗi chuyến ra đi là một lần bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội làm "lễ truy điệu sống", là một lần xác định cảm tử... Nếu bị quân Mỹ, Nguỵ phát hiện thì phải kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, sẵn sàng lao thẳng vào tàu địch hoặc điểm hỏa nổ tàu để bảo vệ vũ khí, trang bị, bảo vệ hàng hóa, để giữ bí mật con đường... Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, như các Anh hùng Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Văn Hiệu... Các anh mãi mãi nằm lại với biển khơi. Các anh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, viết nên những bản sử ca hùng tráng trên sóng biển dạt dào.
Tại bến K15, từ năm 1962-1972, đã có hàng trăm lượt tàu của đoàn 125 hải quân xuất phát, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí phương tiện và hàng trăm cán bộ chiến sĩ chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Gần 60 năm qua, khu vực cảnh quan của di tích bến tàu không số K15 đã có nhiều đổi thay song ở nơi đây vẫn mang trong mình vẻ thâm trầm của chứng tích lịch sử. Từ xa nhìn lại là, du khách dễ dàng nhận ra di tích bến tàu không số với biểu tượng cánh buồm màu trắng sừng sững vươn cao hướng ra biển. Để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những người lính Hải quân năm xưa. Ngày 7/5/2006, Ủy Ban TP HP cùng với Bộ tư lệnh Hải Quân ND VN đã khánh thành trọng thể Biểu tượng bến K15 với hình cánh buồm được đúc bằng bê tông gồm 4 cạnh và 4 lõm theo các lớp gấp của cánh buồm, với phần bệ đỡ là khối hình vuộng, cạnh vát kiểu lục lăng ốp đá xẻ màu xanh đen. Hai bên bậc lên xuống có đắp biểu tượng chiếc vô lăng bánh lái tàu.
Từ trên thành bậc của biểu tượng này, dõi mắt nhìn xuống phía dưới biển là những chiếc cầu tàu dài chừng 30m với những thanh sắt dẹt găm sâu xuống lòng biển. Dưới chân cầu, dấu ấn thời gian để lại những mảng hà xù xì rêu phong, bám chặt vào cọc sắt. Đây được coi là dấu tích còn lại minh chứng cho lịch sử hào hùng của một con đường không dấu, tàu không số, "Chí", "Hiếu", "Trung", "Dũng", và "Anh hùng".
Bến tàu Không số (K15)