1. Tên gọi, lịch sử di tích liên quan đến địa phương
Chùa Hang còn có tên chữ là Cốc tự thuộc phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Như tên thường gọi của chùa, các bậc tiền nhân đã lấy một hang đá trên núi Vạn Tác (bản đồ quân sự nay gọi là đồi 186m) để lập chỗ tu hành. Chùa Hang là ngôi chùa thiên tạo độc đáo của Đồ Sơn, gần khu I trông ra biển và con đường bộ chạy ngang qua mặt chính ngôi chùa hiện nay.
Theo truyền ngôn, chùa Cốc Tự có từ trước công nguyên. Một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa này. Nhiều nhà nghiên cứu ở trung ương và địa phương đã cho rằng Nê Lê, nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta chính là ở khu vực Đồ Sơn. Người dân Đồ Sơn vẫn truyền tụng: Sư Bần còn dựng chùa Bần trên núi Mẫu Sơn, sau đó Người viên tịch tại chùa Hang.
Trong nhiều năm trở lại đây, việc xem xét nghiên cứu về sự du nhập của Phật giáo vào nước ta đã bắt đầu có lời giải hợp lý hơn: trước đây, các học giả nổi tiếng như Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh...đều cho rằng: “Đạo Phật từ Trung Quốc truyền đến nước ta cuối thời Đông Hán. Cụ Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục...đạo Phật thịnh hành ở Ấn Độ và truyền bá sang Tầu, sang ta. Khi những đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật phát đạt ở bên Tầu, cho nên người mình cũng theo về đạo ấy”. Nhìn chung, nhiều quan điểm của các bậc lão làng đều đánh giá về con đường truyền bá đạo Phật vào nước ta, như cụ Đào Duy Anh cho rằng: Phái Tiểu Thừa do phương Nam (Nam tông) mà truyền sang Xiêm La, Cao Man tuy giữ theo chính truyền của Thích Ca, nhưng vì câu nệ quá thành ra hẹp hòi, cằn cỗi tán đi. Phái Đại Thừa thì do phương Bắc (Bắc tông) truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản. Trải qua nhiều lần biến củi mà nghiễm nhiên thành một tôn giáo mới gọi là giáo Adiđà.
Có học giả dựa vào tài liệu Trung Hoa nói rằng ở Giao Châu tại thành NeLe có bảo tháp của vua ASOKA và học giả đó xác định thành NeLe mà sử liệu Trung Hoa nói tới đó là Đồ Sơn hiện nay.
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương Ngô Đăng Lợi căn cứ vào di tích chùa Hang (Cốc tự) và chùa trên đỉnh núi Mẫu Sơn ở Đồ Sơn, cùng truyền ngôn của các cố lão ở đây kể về vị sư người Thiên Trúc, dân gọi là sư Bản đã dựng nên chùa trên núi Mẫu Sơn, sau viên tịch ở chùa Hang - cùng di tích liên quan đã góp phần khẳng định: Xứ Đông (là tên thường gọi của tỉnh Hải Dương xưa) với Phật tích Nê Lê: Đồ Sơn là nơi đầu tiên của nước ta tiếp thu Phật giáo. Từ NeLe truyền lên Luy Lâu, từ Luy Lâu truyền sang Lạc Dương và Bành Thành Trung quốc.
2. Đường đến di tích
Từ Bưu điện trung tâm thành phố Hải Phòng, có tuyến xe buýt chạy liên tục tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn và ngược lại, theo đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) đến Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn. Từ đó, chạy thẳng tiếp lên đến gần Quảng trường 15/5 thì rẽ phải, Chùa Hang ngay đầu đoạn đường.
Di tích toạ lạc tại khu I, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 22km về hướng Đông Nam.
3. Nhân vật lịch sử liên quan đến Di tích.
Ngoài những quan điểm của các học giả nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài đánh giá về những bước du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, xung quanh ngôi chùa Hang thì dân làng (vốn là gốc làng chài - vạn chài) kể lại: thuở xưa vào cuối đời Hùng Vương, ở đây có một vị sư tên Bần, người Ấn Độ lập bàn thờ Phật và tu ở trong chùa Hang - núi Đồ Sơn, cuối đời, nhà sư cũng viên tịch tại chính hang núi này.
Về cây gậy pháp Đức Phật Quang ban cho Đồng Tử, ngoài việc cứu sống Tin thế những người đã chết dịch ở Đa Hoà, Chử Xá còn thấy ở thần tích miếu Thị Đa, ở làng Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Theo thần tích, Khi bà Đa người làng này, có người con duy nhất ra bờ sông bị chết đuối, bà kêu khóc thảm thiết, vừa lúc đó có một thầy chùa đi qua, đã dùng cây gậy thần cứu sống con bà Đa. Nhà sư sau khi được xin tên để được thờ sống đã dặn: cứ gọi ta là Đông Yên. Về sau, dân làng tìm về Đông Yên mới rõ, người đó là Chử Đồng Tử
Tại miếu thờ thờ thần Đông Yên ở làng Cốc Liễn hiện nay còn lưu giữ 20 đạo sắc phong từ đời Lê Vĩnh Tộ Thần Tông 1628 đến trước đời Khải Định 1916-1925. Từ thần tích miếu Thị Đa làng Cốc Liễn đến thần tích quận Đồ Sơn có tên cũ là NêLê, có dấu tích Phật giáo đầu tiên của nước ta, gồm cả dấu tích phi vật thể và dấu tích vật thể.
4. Khảo tả Di tích
Đúng như tên gọi của chùa: nghi lễ nơi thờ tự được bày đặt trong lòng hang đá ven sườn núi cao 35m, rộng 7m, được chia làm hai bậc thềm trong - ngoài. Bậc thềm phía ngoài diện tích gần 23m, bậc thềm trong cao hơn khoảng 0,5m, lòng hang có hình thang xuyên sau thẳng vào trong núi, có độ dài 25m, phía sâu trong lòng hang chỉ cao 1,2m, rộng 1,3m.
Chùa có bàn thờ đá thờ tượng A Di Đà, bát hương đá xưa, nay vẫn còn. Nếu tính mốc thời gian vào ngày 25/3/1990 là ngày dân khôi phục dân từng bước hoạt động của ngôi chùa đã một thời gian bị lãng quên nay đã được biết đến, đây là chùa thiên tạo có từ rất sớm của Đồ Sơn, Cảnh chùa còn giữ được nhiều nét sơ khai nguyên thuỷ như cách bài trí thờ tự: tượng nhất pho, bầu đá, bát hương đá như để thích ứng với điều kiện khí hậu ẩm của vùng biển như Đồ Sơn đồng thời với sự truyền bá Phật Giáo vào vùng đất này.
Ngoài di vật tượng Phật bằng đá, ở chùa Hang còn tồn tại một giếng nước cổ-tương truyền nhà sư từ Ấn Độ Phật Quang đã dùng nước ngọt từ giếng này. Đây chính là dấu tích còn lại của ngôi chùa cách thời đại ngày nay hơn 20 thể kỷ.
5. Công trình di tích có liên quan
Bên cạnh ngôi cổ tự nằm sâu trong hang núi 25m, được phép của chính quyền cơ sở, nhân dân địa phương và thành hội Phật giáo Hải Phòng đã kiến thiết nhà thờ tổ, nhà mẫu tại khu đất vốn là trường bắn của công an, góp phần tạo ra một quần thể sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Công trình nhà Tổ, nhà Mẫu kết cấu bằng vật liệu gỗ, gốm cổ truyền, bố cục mặt bằng kiểu chữ nhất, mặt chính quay hướng Đông, dựa vào sườn đồi phía Tấy Bắc, nên có độ cao trên 3m so với nền đường giao thông. Đây là một công trình kiến trúc phục dựng theo nghệ thuật trang trí thời Nguyễn cuối thế kỷ XX; có 3 gian, 4 hàng cột, được gia công khá công phu tỉ mỉ. Từng chi tiết trên cấu kiện gỗ, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng như thường thấy trong nhiều công trình văn hoá thờ cúng khác. Tại nội thất của công trình nhà Tổ có các ban thờ, khám tượng, các nhân vật lịch sử đã từng được nhắc đến do có cả thời gian gắn bó với mảnh đất Đồ Sơn trong quá khứ và lịch sử hình thành vùng đất này như:
Sư Bần, sư Phạm Ngọc lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống đô hộ nhà Minh.
Ban thờ, tượng Chử Đồng Tử
Ban thờ đức Trần Triều, Tam toà thánh mẫu
6. Những di vật đáng quan tâm
1. Pho tượng sư tổ (tên Bần) bằng đá xanh, cao 0,59cm toạ thiền trên đài sen, tóc quăn thành từng búi, tai dài; tượng trong thế khoanh chân kiết tường, lộ bàn chân phải.
2. Bát hương đá: tạo hình thành thế chân vạc đặt trước bàn thờ sư tổ.
3. Chiếc giếng nước cổ: ở sâu trong lòng chùa Hang, tương truyền nhà sư Bản người Ấn Độ đã dùng nước ở giếng này.
Liên quan đến lịch sử di tích chùa Hang, Đồ Sơn còn có tập thơ chữ Hán, đã được dịch ra chữ quốc ngữ của tác giả người Đồ Sơn Hoàng Xuân Hoàn-cần được sưu tầm và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, để giúp cho mọi người hiểu rõ giá trị thực tiễn của di tích nơi đây.
7. Giá trị lịch sử văn hoá của Di tích.
Chùa Hang được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá ở Hải Phòng và toàn quốc quan tâm nhiều do bản thân di tích hàm chứa nhiều vấn đề cơ bản của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay; trong việc ứng dụng các giá trị văn hoá Phật giáo với sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.
Chùa Hang Đồ Sơn, miếu Thị Đa ở làng Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy là những di tích quan trọng chứng minh cho quá trình khởi đầu du nhập vào nước ta của đạo Phật bằng đường biển - khoảng cuối thời đại các vua Hùng dựng nước, Phật giáo đã du nhập vào đất Việt và có lẽ, nơi tập kết đầu tiên là di tích chùa Hang (Cốc tự) và ngôi chùa trên đỉnh Mẫu Sơn ở Đồ Sơn.
Hiện nay, chùa Hang Đồ Sơn đã được cải tạo để có thể giúp du khách ghé thăm được thuận tiện và cũng an toàn hơn. Chùa được xây dựng với ba tầng với ba chức năng khác nhau. Khuôn viên của ngôi chùa tràn ngập cây xanh, cũng chính bởi vậy mà du khách khi đi dạo tại chùa Hang Đồ Sơn sẽ cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Hơn nữa, cảnh quan bên ngoài ngôi chùa có nhiều pho tượng Phật, tượng Quan âm bồ tát, các không gian mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt, các góc check in chụp hình độc đáo mới lạ. Hàng năm, ngôi chùa thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ khi du khách đến với Khu du lịch biển Đồ Sơn.
Với những giá trị về văn hoá và lịch sử còn mãi cùng cảnh quan thiên tạo từ ngàn đời, Chùa Hang Đồ Sơn đã được UBND TP Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố năm vào năm 2010.
Chùa Hang Đồ Sơn