1. Vị trí ngồi Đền
Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải (nay là phường Hải Sơn), Quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Đền Bà Đế là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của người dân miền biển Đồ Sơn. Ðền thờ bà Đế – vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong cho bà Đế là “Ðông Nhạc Ðế Bà – Trịnh chúa phu nhân”.Trên vùng đất Hải Sơn ngày nay, Đồ Hải xưa, thuộc quận Đồ Sơn có nhiều địa danh gắn với những truyền thuyết đầy tính nhân văn. Phía Đông và phía Bắc phường là bờ biển. Điểm nối phân chia giữa hai phía bờ biển là ngọn núi Độc – ngọn núi thứ 10 tách ra từ dãy 9 ngọn núi trên đất liền của Đồ Sơn. Người Đồ Sơn từ lâu đã truyền câu ca:
“Chín con theo mẹ ròng ròng
Còn một con út ra lòng bất nhân”
Đó là người xưa đã khéo dùng hình sông thế núi để lồng vào lý tưởng răn dạy con cháu về đạo lý làm người phải biết đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng, chớ có rời bỏ cộng đồng. Cho rằng ngọn núi Độc tách ra đứng một mình như là đứa con bất nhân, bất hiếu thì thật là oan cho ngọn núi Độc như là nỗi oan khiên của người con gái Đà Thị Hương có tiếng hát và hương sắc tuyệt vời.
2. Đường đi đến di tích
Từ Bưu điện trung tâm thành phố Hải Phòng, có tuyến xe buýt chạy liên tục tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn và ngược lại, theo đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) đến Uỷ ban nhân dân phường Hải Sơn. Từ đó, chạy thẳng tiếp lên khoảng 300m thì bắt gặp ngã tư đường đôi giao nhau, lúc này quý khách rẽ trái thấy đồn biên phòng Đồ Sơn, thì cứ đi thẳng một đoạn đường ngắn nữa sẽ đến được đền Bà Đế. Di tích toạ lạc tại khu I, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng hơn 20km về hướng Đông Nam.
3. Truyền thuyết Đền Bà Đế
Tương truyền vào những năm 1700, ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời phật cho một mụn con. Trời phật động lòng, chứng giám, rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên đứa trẻ (Bà Ðế) càng xinh đẹp, lộng lẫy. Bà Ðế rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Hàng ngày bà đi chăn trâu, cắt cỏ, tay làm, miệng hát, tiếng hát ngân vang cả núi rừng. Người ta nói rằng, tiếng hát của bà làm chim ngừng hót, sóng ngừng vỗ, đất trời lặng đi để lắng nghe. Vào năm 1736, chúa Trịnh Giang về kinh lý Ðồ Sơn. Chúa cùng đoàn người dạo thắng cảnh bằng thuyền rồng trên núi Ðộc. Xúc động trước tiếng hát mượt mà, chúa truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được bà với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón bà, bà mang thai, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa của chúa. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem bà ra khu núi Ðộc rồi dìm bà xuống biển. Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: “Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần”. Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ, tên Hàng Tổng cùng bọn cường hào, ác bá lấy dây thừng cối đá thủng buộc vào bụng Bà quấn cây sào cắm xuống biển. Khi họ, hàng Tổng ra về cũng là lúc sóng to gió lớn nước dâng lên vỗ vào chân núi Độc có một cái hang to, dây thừng cối đá, cây sào trôi vào miệng hang. Đêm đêm trên bãi đá hầu, hồn Bà linh thiêng hiện về trừng trị những kẻ giết Bà, đã gây nên nhiều tội ác với người dân lương thiện. Thấy sự linh thiêng hiện nên lập ngay Đền thờ có dây thừng cối đá thủng, hàng năm họ Bà phải nhuộm lại dây thừng một lần. Lời bà nguyền rằng bao giờ dây mục đá tan mới hết hận thù này. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà – Trịnh chúa phu nhân. Thời gian trôi qua cối đá dây thừng đã mất, hồn Bà thanh thản linh thiêng ứng nghiệm ban điều lành cho những người thiện tâm ở bốn phương về làm lễ cầu xin tại đền Bà Đế Đồ Sơn đúng như ý nguyện.
Từ xa đến nay, Người đời vẫn luôn thương tiếc và khâm phục lòng thuỷ chung của bà. Nhiều danh nhân ngày nay khi có dịp đến với Đền Bà Đế Đồ Sơn đã đề thơ ca ngợi:
“Lòng sáng như băng trời đất biết
Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay
Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy
Ðể giải hồn oan cõi thế này”
4. Kiến trúc Đền Bà Đế
Cấu trúc của ngôi đền đơn giản nhưng trang nhã, nép mình vào lưng núi, hướng ra biển bao la tạo nên một công trình độc đáo, phong cảnh hữu tình. Chính điện của Miếu Bà Đế là nơi thờ Bà và cha mẹ bà. Bên trái chính điện là bệ thờ, thờ Vua Biển. Cạnh đó là nơi thờ Vua Núi, Vua Đất và chúng sinh. Bên phải gian chính là bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu – ba vị nữ thần cai quản đất trời, sông núi.
Đối diện với bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu là bàn thờ Phật và Đức Đại Vương (Trần Quốc Tuấn) – Danh tướng thời Trần. Ngay trước sân chùa là hình ảnh con thuyền trên đó có tượng Bồ tát. Xung quanh có hình rồng càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho nơi đây. Nơi này khá xa cuộc sống hàng ngày. Đến với đền Bà Đế, du khách sẽ được sống trong không gian tĩnh lặng với tiếng sóng vỗ vào đá róc rách như đang kể câu chuyện buồn của một người phụ nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh.
Trước đây, đền Bà Đế chỉ là một ngôi đền nhỏ, đang xuống cấp từng ngày. Năm 1988, bà Lưu Quế Hoa ở phường Ngọc Hải (nay là phường Hải Sơn) đã cùng con cháu xây dựng lại to đẹp hơn. Từ khi ngôi đền được xây dựng lại, ngày càng nhiều khách thập phương đến tham quan, thắp hương cầu nguyện. Số tiền du khách quyên góp cho đền được dùng để xây kè chắn sóng khu vực Miếu Bà Đế, khiến ngôi đền ngày càng trở nên vững chãi.
5. Lễ hội Đền bà Đế
Người dân Đồ Sơn lấy ba ngày 24, 25, 26 tháng 2 hàng năm làm ngày cúng giỗ bà. Và ngày nay Lễ hội chính của đền Bà Đế cũng đc diễn ra vào các ngày 24, 25 và 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, góp phần tạo nên các hoạt động lễ hội ở Đồ Sơn. Theo tương truyền, Bà Đế rất linh thiêng, ngày đêm vẫn dõi theo và phù hộ cho ngư dân vùng biển Đồ Sơn. Du khách đến chùa Bà Đế không chỉ vào mùa xuân mà quanh năm để cầu lộc, giải oan cho mình và gia đình nếu có. Người dân tin rằng Bà Đế sẽ phù hộ cho những ai thành tâm đến đây để cầu được ước thấy.
Người dân miền biển Đồ Sơn cũng như du khách gần xa khi có dịp đến với Đền Bà Đế vẫn truyền tụng rằng đền Bà Đế rất thiêng nên hằng năm, vào dịp lễ hội đầu xuân, du khách cả nước về đây để chiêm bái, cầu khấn xin giải oan, xin cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.
6. Giá trị lịch sử văn hoá Đền Bà Đế
Ngày nay, về yếu tố cảnh sắc biển trời của đền Bà Đế vẫn không có nhiều thay đổi, nép mình vào lưng núi, mặt hướng ra biển, không gian thật phong thuỷ và hữu tình. Du khách gần xa từ khắp mọi miền đất nước đến Đền thờ Bà Đế ngày càng đông. Trong ngan ngát trầm hoa, thoang thoảng đâu đây như mùi hương của Bà, cả giọng hát dịu êm hoà trong tiến sóng rì rầm của biển Đồ Sơn, thêm mến yêu một vùng quê đất Việt, đến đây còn để chia sẻ và đồng cảm với thân phận một người con gái xinh đẹp hiền thảo, thuỷ chung mà phải chịu niềm oan khuất, bất hạnh…
Hay từ xưa cho đến nay, du khách thập phương vẫn
thường tấp nập trẩy hội đền Bà Ðế. Người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt
là cầu khấn bà chứng giám cho những nỗi niềm oan ức mà mình gặp phải trong cuộc
sống.
Đền Bà Đế