Hiện nay, đền Long Sơn thờ Cô Chín và hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ (gồm Mẫu Thượng Thiên, mẫu Địa, mẫu Thoải, mẫu Nhạc và ngũ vị tôn ông, tam vị quan hoàng).
Về nhân vật cô Chín gắn liền với truyền thuyết về suối Rồng: “Tương truyền, xa xưa có người con gái xinh đẹp tên là cô Chín. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu sang quyền quý. Một ngày nọ, thấy tiết trời đẹp, cô Chín cho người dong thuyền du ngoạn trên biển. Khi qua vùng biển gần làng Ngọc Tuyền (nay là phường Ngọc Xuyên) thì bỗng giông bão nổi lên, thuyền bị dắm. Sau đó, gia đình cô Chín cho người đi tìm. Khi đến khu vực suối Rồng ngày nay, thấy khăn đai, xiêm áo của cô nằm trên vách đá. Khi lấy lên, bỗng từ Trong khi khe đá tuôn ra dòng nước trong lành, mát lạnh chảy mãi không ngừng. Điều lạ lùng hơn cả, nguồn nước ấy mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và chưa bao giờ cạn nước dù thiên tai, hạn hán. Người dân địa phương từ đó thường đến chân núi Ngọc lấy nước suối Rồng mang về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, nước suối Rồng khi đem nấu lên, hãm với lá chẻ xanh trồng trên núi Ngọc thì vô cùng ngon, ngọt”.
Sau khi cô Chín hoá thì cô luôn hiển ứng linh thiêng phù giúp nhân dân trong ngoài địa phương nên được nhân dân lập đền thờ cô trên vách núi cạnh suối rồng.
Việc thờ cô Chín là một tín ngưỡng đặc sắc của cư dân Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây cũng là một dạng thức thờ nữ thần khá phổ biến ở Đồ Sơn như: Tín ngưỡng thờ Bà Đế ở đền Bà Đế; thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tử vị thánh nương ở 3 làng Bàng Động, Phụ Lỗi và Tiểu Bàng xã Bàng La; hay việc tôn vinh ngọn núi cao nhất trong 9 ngọn núi của Đồ Sơn là Mẫu Sơn (tức núi Mẹ).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ nữ thần ở vùng biển Đồ Sơn, cũng như tín ngưỡng thờ cô Chín ở đền Long Sơn là tín ngưỡng bản địa thu thu và có lịch sử hình thành từ khá sớm, cũng như tín ngưỡng thờ các nữ thần ở Việt Nam đều có nguồn gốc và lịch sử thờ tự từ lâu đời.
Tín ngưỡng thờ cô Chín có từ lâu đời và được cộng đồng nhân dân Ngọc Xuyên duy trì và phát huy đến tận ngày nay. Sự linh thiêng hiển ứng của cô Chín được minh chứng bằng các hoạt động tín ngưỡng, lễ bái, cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, nhân khang vật thịnh của đông đảo người dân địa phương và khách thập phương.
Tín ngưỡng thờ cô Chín ở Ngọc Xuyên, Đồ Sơn gắn liền với truyền thuyết về suối Rồng, nên người dân địa phương quen gọi đền thờ cô Chín là đền cô Chín suối Rồng. Cũng còn gọi là đền Long Sơn – Long Sơn linh từ do liên quan đến vị trí toạ lạc trên núi Rồng (Chín ngọn núi tạo thành hình rồng của Đồ Sơn).
Đền Long Sơn ( Cô Chín suối rồng )