TRAO KỶ LỤC:”BỘ TƯỢNG TAM TÒA THÁNH MẪU BẰNG ĐỒNG LỚN NHẤT VIỆT NAM” TỚI ĐỀN CHÚA BÀ NGŨ PHƯƠNG TRONG DỊP LỄ KHÁNH THÀNH ĐỀN.

Vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 2022, trong dịp Lễ khánh thành Đền, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam: ” Bộ tam tượng thánh mẫu bằng đồng lớn nhất Việt Nam” tới Đền Bà Chúa Ngũ Phương (Đồ Sơn, Hải Phòng).
13 tháng 3, 2024 bởi
Văn hóa du lịch Đồ Sơn

Từ xa xưa Đồ Sơn đã được người đời tôn vinh là vùng đất linh thiêng, nơi ngự tọa của chư Phật, tiên, thánh. Nơi đây là vùng đất đón ánh sáng của Phật pháp đầu tiên du nhập vào Việt Nam từ trước Công nguyên.

Đền Bà Chúa Nam Phương ở Đồ Sơn thuộc tổ dân phố số 6, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn là công trình tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời, ngôi đền nằm trong quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng vùng non nước Đồ Sơn đó là Tháp Tường Long, chùa Vân Bản, chùa Hang, đền Ngọc Xuyên, đền Cô Chín Suối Rồng…Đền Chúa Bà Nam Phương hiện nay được trùng tu tôn tạo trên địa điểm linh thiêng, với diện tích hàng ngàn m2. Đền nằm dưới núi Mẫu Sơn, bên tả, hữu là hai dãy núi hình vòng cung vươn về phía trước trong thế tay ngai, như hai cánh tay của người mẹ núi ôm ấp, che trở cho con dân trong phong ba bão táp, khắc nghiệt của biển cả.

Chúa Bà Nam Phương là vị nhân thần, vị thánh nữ được rất nhiều người dân đất Việt, đặc biệt là người dân Hải Phòng ngưỡng vọng, thờ cúng. Bà được mọi người gọi với danh tôn: Bà Chúa Năm Phương, Chúa Bà Nam Phương, Chúa Bà Ngũ Phương, Chúa Bà Bản cảnh ….Theo các tài liệu lịch sử được ghi chép ở Hải Phòng, Chúa Bà Nam Phương tên là Vũ Thị (hay Quận khi được Ngô Vương Quyền phong là Quận chúa) Quyến Hoa, sinh ra trong một gia đình họ Vũ ở làng Gia Viên, tên Nôm là làng Cấm. Trong thần tích lưu giữ tại đình làng Gia Viên, sau khi hành quân cấp tốc về vùng cửa biển Đông Hải để chuẩn bị chống quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền đóng hành cung tại làng Gia Viên. Ông cho canh giữ vùng đất này rất nghiêm ngặt nên người dân gọi là làng Cấm. Tại đây Vũ Quyến Hoa được Ngô Quyền giao nhiệm vụ lo việc quân lương phục vụ quân dân ta đánh tan 20 vạn quân Nam Hán do Thái tử Hoằng Tháo chỉ huy, theo đường sông Bạch Đằng vào xâm chiếm nước ta. Chỉ trong nửa ngày, với tài chỉ huy tài tình của anh hùng dân tộc Ngô Quyền, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ đội quân xâm lược. Đại thắng Bạch Đằng lần thứ nhất cuối năm Mậu Tuất (938) chấm dứt hơn ngàn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho đất nước. Trong trận chiến hào hùng đó có sự đóng góp của các đội hương binh miền Đông, chủ yếu là dân miền Duyên Hải, trong đó nổi bật vai trò Vũ Quyến Hoa, người làng Cấm, thủ lĩnh việc quân lương. Với lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tài năng tháo vát, uy tín cao trong nhân dân, bà Quyến Hoa đã cung cấp đầy đủ, kịp thời quân nhu cho quân dân ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi của trận chiến. Khi xưng Vương định đô ở Cổ Loa, Ngô Vương xét công lao đã phong nữ tướng binh lương tước Quận Chúa. Bà Quyến Hoa hóa (mất) ngày 16 tháng 6 (không rõ năm). Sau khi bà qua đời, nhân dân làng Cấm quê hương bà và nhiều nơi dựng miếu thờ. Quận Chúa Quyến Hoa sống là danh tướng, thác là thần thiêng. Khi nhân dân, xã tắc gặp thiên tai, địch họa, Quận Chúa thường hiển linh giúp vua, giúp nước cho tai qua, nạn khỏi. Do vậy, nhiều triều vua đã sắc phong Chúa Bà là phúc thần. Tại thành phố Hải Phòng còn lưu giữ được hai đạo sắc phong: đạo sắc niên hiệu Khải Định, thứ 9, ngày 25 tháng 7 ( 1924) phong: “Đoan túc, Dực bảo, Trung hưng tôn thần”; đạo sắc niên hiệu Bảo Đại, thứ 9, ngày 25 tháng 8 (1934) phong Vũ Quận Chúa là “ Trang huy, Thượng đẳng thần”.

Chúa Bà Vũ Quyến Hoa được lưu truyền trong tâm thức của nhân dân từ thế kỷ X. Sau chiến thắng Bạch Đằng, quốc thống được xác lập dưới trời phía Nam. Người anh hùng dân tộc Ngô Quyền được coi là ông tổ trung hưng nền độc lập nước ta. Ngô Vương Quyền mất, các triều đại phong kiến sắc phong Ngài làm phúc thần, Thành hoàng của nhiều làng xã ở Hải Phòng. Gắn liền với sự vinh quang của Ngô Quyền là vua, bậc tối thượng, ở bậc công thần, một trong những danh tướng được dân gian tuyển chọn xếp hạng công đầu là Vũ Quận chúa Quyến Hoa. Ngài là đại diện tiêu biểu của giới phụ nữ, thủ lĩnh đội quân hậu cần phục vụ chiến dịch Bạch Đằng. Để phân biệt và khẳng định chủ quyền độc lập quốc gia của người Việt ở phía Nam với nước Hán ở phía Bắc, nhân dân ta coi Ngô Quyền là vua dưới trời Nam. Trong dân gian còn quan niệm có vua tất phải có chúa và như vậy Vũ Quận đã trở thành Bà Chúa Nam Phương, tức là Bà Chúa dưới trời phương Nam.

Vũ Quận chúa Quyến Hoa còn được người dân gọi là Bạch Hoa công chúa vì sau khi Ngô Vương Quyền được nhân dân suy tôn là Vua thì bà Quyến Hoa cũng được tôn xưng Công chúa.

Nhưng tên gọi thế nào không quan trọng, quan trọng là trong tâm thức người dân Hải Phòng, bà chúa Ngũ Phương là một vị nữ thánh có công với dân, với nước và với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, người ta tôn thờ bà như một vị Thánh Mẫu (cũng như Thánh Mẫu Lê Chân).

Thần phả về bà kể rằng, sau khi bà hóa (về trời), bà được Thượng Đế giao cai quản 5 phương trời đất – bản cảnh bản xứ ngũ phương. Từ đó, nhân dân khắp nơi lập miếu thờ Bà để tưởng nhớ công lao của Bà đã phò vua giúp nước đánh thắng giặc ngoại xâm. Trong đó có ngôi đền bà Chúa Ngũ Phương ở Đồ Sơn. Ngôi đền hiện nay được thủ nhang Hoàng Gia Nhật (hay còn gọi là Bổn) kế thừa, trông coi và trùng tu, xây dựng suốt hơn 40 năm qua.

Trong quan niệm dân gian người Hải Phòng, Vũ Quận chúa Quyến Hoa là vị nhân thần hiển thánh linh thiêng với nhiều giai thoại kỳ bí mà thật, giả khó có căn cứ để xác minh.
Trong các giai thoại dân gian ở Hải Phòng, người ta thường kể rằng, Chúa Bà thường hiện hình vào canh ba, giờ tý trong nốt một cô mỹ nữ với xiêm y màu trắng, giày trắng, rong chơi khắp chốn rồi về ngự ở các cây đa to. Có lẽ vì vậy mà tại nhiều cây đa có giai thoại Chúa biến tại đó hoặc đánh rơi vật dụng, nơi đó người ta thường lập đền, miếu để thờ.

Vậy nên đền miếu thờ Chúa Bà thường có những cây cổ thụ to lớn nhiều năm tuổi, xanh tươi bốn mùa. Đền chúa Bà Nam Phương tại nơi đây cũng có rặng cây thị cổ thụ gồm 16 cây có tuổi đời hàng trăm năm và đã được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”.
Tuy không được thờ phổ biến trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, nhưng ở Hải Phòng và một số tỉnh lân cận, chúa Ngũ Phương vẫn là một vị thánh mẫu linh thiêng được nhiều người tôn thờ. Điều này thể hiện quan niệm, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của nhân dân ta và đáng được tôn trọng.

Do thời gian và năm tháng, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng, nên ông Hoàng Gia Nhật đã quyết tâm trùng tu và xây dựng lại ngôi đền khang trang hơ. Ngôi đền hiện đang được trùng tu, xây dựng lại trên nền ngôi đền cũ tại Tổ dân phố 6, phường Ngọc Xuyên, Quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Trải qua thời gian 997 ngày đêm thi công, 167 ngày lắp đặt, làm việc (tính đến ngày khánh thành), đền Chúa Bà Nam Phương đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, tố hảo.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam và Ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục tới Đền Chúa Bà Ngũ Phương.

Ngôi đền được xây dựng lại với quy mô bề thế. 5 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Tổng diện tích xây dựng đền chính là 250m2. Tòa tháp Phật trước chính điện có diện tích 150m2, cao 2 tầng, 2 bên là nhà giải vũ. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gố lim và đá.

Hiện nay ngôi đền còn lưu giữ được 1 pho tượng Phật bằng đồng trên 400 năm, 1 pho tượng Bà bằng đồng trên 200 năm.

Ngôi đền xây mới với điểm nổi bật là 3 pho tượng Mẫu bằng đồng với chiều cao 2,37m, chiều ngang 1,61m và trọng lượng là 2,3 tấn mỗi pho.

Bộ Tam Tượng Thánh Mẫu bằng đồng lớn nhất Việt Nam tại Đền Chúa Bà Ngũ Phương( Đồ Sơn, Hải Phòng).

Hàng năm vào ngày 16 tháng 6 âm lịch đền thưởng mở hội rất lớn để mừng Lễ khánh tiệc Chúa Bà, nhân dân và du khách khắp nơi đều đổ về rất đông để tham dự.

Văn hóa du lịch Đồ Sơn 13 tháng 3, 2024
Chia sẻ bài này
Tag
Lưu trữ