Đảo Hòn Dấu là một đảo nguyên sinh, thuộc Khu du lịch Đồ Sơn, cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 20 km về phía Nam. Từ bến tàu Nam Đồ Sơn, di chuyển bằng tàu thủy, chỉ khoảng 10 phút là du khách đã đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp như viên ngọc minh châu giữa muôn trùng sóng biển.
Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng: Rừng nguyên sinh với nhiều loại cây lâu năm quý hiếm - đặc biệt là 35 cây đa búp đỏ đã được vinh danh “cây di sản Việt Nam” có niên đại từ 400 đến 700 năm tuổi; những loài hoa rừng rực rỡ sắc màu; những ghềnh đá cổ bao quanh đảo; ngọn hải đăng hơn trăm tuổi, được mệnh danh là “mắt ngọc” của Tổ quốc …; nơi đây còn thấp thoáng ngôi đền uy linh, nơi thờ Nam Hải Thần Vương. Ngôi đền không lớn, nhưng ngày đêm nghi ngút khói hương.
Người Đồ Sơn có nhiều truyền thuyết về vị thần được phụng sự nơi đây. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” và các cụ cao niên kể lại: “Thời dân tộc ta chống quân xâm lược Nguyên Mông (thế kỷ XIII), một đêm thấy có xác người không đầu dạt vào bờ biển Hòn Dấu. Quan sát áo quần, người ta cho rằng đây là một vị tướng nhà Trần tử trận. Thi hài vị tướng được đưa lên bờ khâm liệm, chờ tới sáng hôm sau thì chôn cất. Sáng hôm sau, khi lên bờ đã thấy mối đùn ở nơi đặt thi hài vị tướng thành mộ. Mọi người lễ tạ và sửa sang phần mộ. Những ngày sau đó, vị võ tướng hiển linh thành một cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi câu cá, lúc ẩn, lúc hiện. Hỏi tên cụ, cụ chỉ cười không nói, chỉ cười và chỉ ra biển; vì thế người ta gọi cụ là Lão Đảo Thần Vương. Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng, Nhân dân đặt đền thờ tại Đảo Dấu. Ngôi đền trở nên linh thiêng. Thuyền bè các nơi qua lại nơi đây đều ghé vào đảo cúng lễ cầu may. Từ đó, hằng năm dân làng mở Hội vào các ngày từ mồng 8 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch” (Theo “Địa chí Thị xã Đồ Sơn”).
Người dân Đồ Sơn nói riêng, người dân đi biển quanh vùng, mỗi lần đi qua, không quên ghé thuyền vào đảo, lên đền thượng hương. Tập tục ấy trở thành một nét đẹp văn hóa.
Lễ hội hàng năm được tổ chức với ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương vùng Biển Đồ Sơn và danh làm thắng cảnh Quốc gia đảo Hòn Dấu; mong cầu “phong điều vũ thuận”, “quốc thái dân an”, đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Đảo Dấu gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân miền biển Đồ Sơn. Lễ hội gồm phần lễ và hội, với phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy. Lễ rước đèn từ 23h đếm hôm trước đến sáng hôm sau.
Theo quan niệm của những người đi biển ở Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho nhân dân trong vùng. Trong tiết tháng 2 biển động mạnh nhưng người dự hội vẫn thắp đèn trên biển để tỏ lòng biết ơn thần Nam Hải Đại Vương luôn che chở, bảo vệ ngư dân cho những chuyến ra khơi thuận buồm, xuôi gió, tôm, cá đầy khoang.
Điều đặc biệt là năm nào cũng vậy, cứ đến nửa đêm mồng 9/2, biển Đồ Sơn nếu đang bình lặng cũng nổi sóng, gió rất lớn và trời lất phất mưa. Sau lễ tiễn thuyền giấy, trời yên biển lặng trở lại. Người Đồ Sơn tin rằng, đó là điềm báo Cụ Dấu về với ngư dân. Du khách dự hội ra về cũng cảm thấy thanh thản, yên bình và dâng tràn niềm tin một năm mới bình an, may mắn…
Trước những ngày diễn ra Lễ đêm chính hội từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch thì ngay từ ngày mùng 1 đầu tháng, Lễ “Thượng cờ khai hội” đã được thực hiện với những nghi thức trang trọng - Lễ “Thượng cờ khai hội” là nghi thức văn hóa tâm linh truyền thống, mở đầu cho Lễ hội Đảo Dấu Đồ Sơn 2023; được tổ chức với ý nghĩa không chỉ cầu mong “phong điều vũ thuận”, “quốc thái dân an”; mà còn nhắc nhở các thế hệ con cháu giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về quê hương; lòng tôn kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công “khai sơn phá thạch”, lập nên mảnh đất Đồ Sơn; khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.
Đúng 8h00’ ngày 20/02/2023 (tức ngày 01/02 năm Quý Mão); Nghi lễ dâng hương, kính cáo các vị tôn thần sẽ được diễn ra tại Đền Nghè - Ngôi đền cổ kính tọa lạc trên mảnh đất thiêng dưới chân núi Tháp Tường Long, thuộc phường Vạn Hương. Nơi đây thờ Thiên thần duệ hiệu “Điểm Tước Chi Thần”. Ngài được tôn vinh là vị thần tối cao (chủ thần), đồng thời là Thành hoàng chung cho cả vùng Đồ Sơn, đã “đã che chở cho Nhân dân yên ổn làm ăn, mỗi lúc một phát đạt, làng xóm ngày càng đông vui”. Đền Nghè còn thờ “Lục Vị Tiên Công” - tương truyền, là sáu vị đứng đầu sáu dòng họ đầu tiên, có công “khai sơn phá thạch” vùng đất Đồ Sơn, được Nhân dân đời đời ghi nhớ.
Sau lễ dâng hương tại Đền Nghè, Nhân dân và du khách di chuyển đến Bến tàu Nam (nằm trong Khu du lịch Quốc tế Hòn Dáu), xuống thuyền để lên Đảo Hòn Dấu - nơi có ngôi đền uy linh, nơi hội tụ văn hóa tâm linh của người dân vùng biển, thờ Thần “Nam Hải Thần Vương” nổi tiếng linh thiêng tự bao đời. Tương truyền, ngôi đền đã hai lần được vua Lê và vua Tự Đức ghé thăm trong những chuyến kinh lý vùng biển Đông Bắc.
Giữa muôn trùng sắc biếc của mây, trời, non, nước; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; tiếng chiêng trống rộn ràng; lòng người giao hòa, thành kính; không khí Lễ hội thiêng liêng; Lễ “Thượng cờ khai hội” theo nghi thức truyền thống của người dân miền biển chính thức được thực hiện. Ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc và cờ Hội được kéo lên tung bay trong gió … như mang đến cho Nhân dân và du khách dự Hội những cảm nhận đậm đà về giá trị của hơi thở, sức sống và vẻ đẹp hồn cốt từ bao đời nay của người dân miền biển đang hiện hữu, được gìn giữ, phát huy, lan tỏa trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhân dịp đầu xuân, thắp một nén hương thơm để tri ân công đức các bậc tiền nhân và cầu mong vào những điều tốt đẹp đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống.
Sau Lễ “Thượng cờ khai hội”, Nhân dân và du khách tiếp tục cuộc hành trình khám phá, chinh phục vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của Đảo Hòn Dấu với khu rừng nguyên sinh; thảm thực vật phong phú; cây di sản Việt Nam đa búp đỏ; ghềnh đá Bàn cổ mênh mông sóng trùng khơi; con đường đá phủ lớp rêu phong xuyên rừng thơ mộng dẫn đến ngọn Hải Đăng, được mệnh danh “Mắt ngọc” của Tổ quốc - một trong những ngọn Hải Đăng nổi tiếng nhất Việt Nam - minh chứng cho truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của Nhân dân Đồ Sơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc …
Nếu như Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, Kiên Giang có Phú Quốc, Nha Trang có Hòn Tắm thì Hải Phòng cũng có Đồ Sơn và Hòn Dấu - hệt như đóa hoa rực rỡ giữa miền đất Cảng. Mỗi trải nghiệm tại nơi đây - đặc biệt trong mùa Lễ hội, như mang đến trong trái tim mỗi chúng ta những cảm xúc thật mới mẻ về một thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy năng lượng; giúp ta càng thêm yêu, tự hào về quê hương, đất nước mình hơn.
Lễ hội Đảo Dấu