Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

14 tháng 8, 2023 bởi
Hồng

1.     Tên gọi: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn              

2.     Loại hình: Lễ hội truyền thống        

3.     Địa điểm phân bố: quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng

4.     Chủ thể văn hóa: Cộng đồng dân cư quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng.


5.     Mô tả về di sản:

Theo tài liệu ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 15, hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức chỉ có 2 con chọi ở bãi Bồng Bồng. Đến thế kỷ XVII, XVIII, số trâu chọi tăng lên tới 12 trâu. Sau rằm tháng Giêng, các tộc biểu được mời đại diện cho các dòng họ, họp bàn về việc mua trâu. Người được giáp cử đi mua trâu coi đó là vinh dự lớn lao, trước khi xuất hành mua trâu giáp nào cũng làm lễ ra đình làng khấn Thành hoàng làng xin đi mua trâu được dẫn đường chỉ lối gặp may, cầu được ước thấy trâu đẹp, trâu hay. Khi trâu được mua về, người mua trâu cũng phải làm lễ để trình Thành hoàng. Thông thường là tháng Hai hoặc tháng Ba các giáp phải có trâu về để chăm sóc. Việc chọn người nuôi trâu cũng hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng.


Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bắt đầu từ mồng 1 đến 15 tháng 8 âm lịch; ngày 30/7 hàng tổng có kiệu long đình, bát biểu ra Nghè - nơi thờ thần Điểm Tước, Thành hoàng của tổng rước bát hương về đình Chung sau này là đình Công (Đình Chung là ngôi đình đầu tiên ở tổng Đồ Sơn, được xây dựng từ thế kỷ XV). Sáng 1/8 tế thần cho khai hội. Ngày 2/8 khai hội cờ người đến ngày mồng 7 kết thúc và trao giải tại sân đình. Ngày mồng 6/8 lễ Mộc dục. Tắm rửa cho trâu bằng nước thơm, vót sừng và thay rợ trâu bằng sợi mây. Ngày 7/8 rước nước về các đình làng. Tối 7/8, cử hành lễ yên vị. Ngày 8/8 rước văn. Tại đình Công, ngoài chọi trâu còn diễn ra rất nhiều trò vui khác như: đánh cờ người, thi chọi gà, đánh vật, hát xẩm, hát giao duyên, hát đúm, và nhiều trò tạp kỹ khác như đi cà kheo, hóa trang,… Các phường tiến hành bốc thăm (ghép) các cặp trâu thi đấu, sau đó tiến hành bốc thăm thứ tự các trận đấu, trâu nào thắng tham gia thi đấu với các trâu phường khác tại vòng chung kết. Số trâu được tham gia vòng chung kết là 32 trâu. Trước khi trâu thi đấu vòng loại, làm lễ dâng hương, trình báo thành hoàng linh ứng vào trâu chọi. Ngày 7/8 âm lịch các phường tổ chức lễ rước nước từ Đền Nghè về đình làng. Trước ngày diễn ra hội, lãnh đạo phường, các chủ trâu và nhân dân làm lễ tế Thành hoàng tại đình làng, nghi thức này được diễn ra tới đêm khuya ngày 8 tháng 8 âm lịch. Trước khi thành trâu chọi, trâu phải được rước về trình diện Thành hoàng tại đình làng và sau đó được gọi là "ông trâu". Đến giờ khai hội, trống chiêng nổi lên, tiếng người reo hò náo động. Mỗi xã chọn 12 thanh niên khỏe mạnh vào đội múa cờ hay còn gọi là đấu cờ, họ đều được tập luyện thuần thục.


Ngày 9/8, rước trâu về sới trung kết. Trước khi trâu vào sới chọi, lãnh đạo quận cùng các chủ trâu, nhân dân Đồ Sơn tập kết tại sân bãi làm lễ tế Thành hoàng, cầu mong lễ hội diễn ra sôi động, hấp dẫn, an toàn và may mắn. Tiếp đến là tấu trống chiêng, múa cờ rồi dịch loa vào trận. Tại vòng chung kết, tổ trọng tài điều hành trận đấu, các trâu sẽ thi đấu theo thể thức loại trực tiếp chọn ra trâu giải nhất, nhì và đồng giải ba. Địa phương có trâu đoạt giải nhất được trao biểu tượng trâu vô địch. Theo tập quán trước kia, sáng sớm mùng 10/8, trâu của các làng thắng hay thua đều phải giết thịt làm lễ hiến sinh tế lễ dâng Thành hoàng. Trước khi giết thịt trâu ông hương sư phải làm lễ hóa sinh.


Cùng với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn có tục lệ ngồi đình hay còn gọi là cai đám (tế đám), hàng năm các trai đinh Đồ Sơn phải thay nhau làm lễ "tế đám" (lo việc làng). Đến phiên người làm tế đám, các trai đinh phải chuẩn bị gà, lợn, rượu cùng các đặc sản; thay nhau sửa cỗ mặn cho buổi tế trưa và cỗ chay cho lần cúng tối. Từ ngày 11 đến ngày rằm trung thu diễn ra hội làng, làng nào tổ chức hội làng ấy, cả tổng giao hòa những ngày hội làng. Các đền, các miếu hàng khu, tư gia đều có lễ hội riêng. Các đình đền đều có tổ tôm điếm, tam cúc điếm. Tối ngày 15/8, tế thần bằng cỗ chay; đồng thời tế đám cũ hết nhiệm vụ bàn giao tế đám mới. Ngày 16, làng chuẩn bị một con lợn làm lễ "tống thần", rước bát hương trở lại đền Nghè. Nhân dân quanh đình mang lễ ra sân đình cúng phóng sinh. Hương sư các đình trong trang phục tế, hai tay bưng đĩa mao huyết và lục phủ ngũ tạng còn gọi là "Thạch bàn huyết mao", hô to ba tiếng, vái ba vái và hất đĩa mao tiết xuống nước, xuống đất. Sau nghi lễ này thì đình làng đóng cửa, kết thúc một năm hội.


6.     Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể:

Với việc chọn thời gian mở hội là mùng 9 tháng 8, người Đồ Sơn cổ đã thể hiện sự cân nhắc khôn khéo trong việc kết hợp giữa yếu tố tâm linh với công việc lao động sản xuất của mình, đồng thời cũng tạo ra sự cân đối lao động sản xuất và các hoạt động giải trí, vui chơi. Một điều đặc biệt khác là ngư dân miền biển hay thờ Hà Bá, Độc Cước, Cá Ông Voi,… Riêng người Đồ Sơn lại thờ thần Vết chân chim sẻ, thành hoàng của cả tổng Đồ Sơn. Mâm bột gạo trong nghi lễ cầu xin duệ hiệu vị thần bảo trợ của ngư dân Đồ Sơn là một minh chứng sống động cho mối quan hệ giữa nghề cá và nghề nông.


Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là một hoạt động tín ngưỡng thiêng liêng của người bản địa. Thời gian tổ chức lễ hội thường có mưa nên dân gian có câu ca: Tháng tám Đồ Sơn chọi trâu/ Chớ có đi đâu, không mưa thì bão.


Nét độc đáo của người Đồ Sơn là đưa lễ hội chọi trâu thành Cổ lệ, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; vừa thể hiện lòng biết ơn công đức của thần "Hùng trấn Điểm tước đại vương", vừa tràn đầy lòng tự hào đối với cha ông, những người đã có công khai sơn, phá thạch, lấn biển, mở đất.


7.     Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể:

Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục. Đến nay Lễ hội chọi trâu được tổ chức quy mô, số lượng trâu tham gia lễ hội tăng lên qua các thời kỳ mở hội. Năm 1990 số trâu là 12 trâu, năm 2000 số trâu 24 trâu, đến nay số trâu là 32 trâu. Khi hội chọi trâu được khôi phục (năm 1990) thì đơn vị tham gia hội là phường và xã. Khoảng bảy, tám năm trở lại đây, đơn vị tham gia hội được xã hội hóa, các cá nhân có điều kiện đăng ký trâu chọi ngày càng nhiều. Những năm gần đây, Một số ngôi đình mới được phục dựng như: đình Nam (năm 1991) - phường Vạn Sơn, đình Đồ Hải - phường Ngọc Hải (năm 2003). Sới chọi ngày nay là sân vận động thị xã, thay thế cho sới chọi xưa.


Trước đây trâu thua cuộc tại vòng loại tiếp tục được nuôi dưỡng đợi đến ngày hội mới giết. Nhưng ngày nay số lượng trâu chọi tham gia hội rất lớn nên Ban tổ chức lễ hội chỉ cho phép để lại những trâu chọi thua cuộc ở ba kháp đấu sau cùng. Tuy nhiên, không phải chủ trâu nào cũng thực hiện đúng. Quy trình lễ hội cũng có nhiều thay đổi, nếu trước đây mỗi kháp đấu là một màn múa cờ và đều có dịch loa thì nay múa cờ và dịch loa đã được giản đơn hơn, chỉ diễn ra tại kháp đấu đầu tiên và sau đó là chuyển sang trận đấu. Vật hiến tế thần linh cũng có sự thay đổi; trước đây trâu chọi được làm sạch, thui vàng và để nguyên con lên giá chiêng cúng tế thần thì nay chỉ cúng đầu trâu và chưa được làm sạch.




8.     Các biện pháp bảo vệ:

UBND Quận đã ban hành quy chế tổ chức, quy chế quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; ra quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Quận, Ban tổ chức là các đồng chí có chức danh của quận và các phường; Xây dựng dự án nâng cấp Sân vận động trung tâm quận, xây dựng khu giết mổ tập trung trong khu vực sân vận động, tăng cường công tác quản lý giết mổ nhằm giữ gìn thương hiệu thịt trâu chọi Đồ Sơn với nhân dân và du khách thập phương, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường và quyền lợi hợp pháp cho các ông chủ trâu cũng như người tiêu dùng.



Ban tổ chức lễ hội chọi trâu các phường chủ động triển khai kế hoạch, lựa chọn những người có kinh nghiệm, tâm huyết với lễ hội tổ chức mua trâu, nuôi trâu và huấn luyện trâu. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế tránh khuynh hướng thương mại hóa, nặng về khai thác nguồn lợi kinh tế làm sai lệch bản chất lễ hội; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền quảng bá về lễ hội chọi trâu truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia lễ hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tổ chức cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho lễ hội.




Hồng 14 tháng 8, 2023
Chia sẻ bài này
Tag
Lưu trữ