Lễ hội đầu năm: Di sản trong dòng chảy hiện đại

Lễ hội đầu năm ở Việt Nam phản ánh một bức tranh đa dạng, nơi quá khứ và hiện tại cùng tồn tại, giao thoa với nhau. Trong bối cảnh hiện đại, bảo tồn và phát huy lễ hội đòi hỏi những chiến lược linh hoạt để vừa giữ gìn được bản sắc, vừa thích nghi với nhu cầu mới của xã hội.
20 tháng 2, 2025 bởi
Văn hóa du lịch Đồ Sơn

Mỗi dịp Xuân về, Việt Nam lại tưng bừng với hàng nghìn lễ hội truyền thống, phản ánh sự phong phú và đa dạng của văn hóa dân tộc. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội các loại, thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền, gắn với các yếu tố địa lý, lịch sử đặc trưng.


Trên phạm vi cả nước, tổng lượng khách du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán 2025 ước đạt 12,5 triệu lượt, tăng khoảng 19% so với năm trước. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với khoảng 2,1 triệu lượt khách, tiếp đến là Quảng Ninh với 969.000 lượt khách. Những con số này phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của các lễ hội đầu năm đối với cả người dân trong nước và du khách quốc tế bởi một trong những loại hình du lịch chủ đạo thời điểm đầu năm là du lịch lễ hội.


Các lễ hội lớn như chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Hùng (Phú Thọ), hội Lim (Bắc Ninh) luôn nằm trong danh sách những điểm đến đông khách nhất. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, riêng chùa Hương trong tuần đầu khai hội đã đón gần 150.000 lượt khách, cho thấy nhu cầu hành hương và trải nghiệm văn hóa vẫn rất mạnh mẽ trong đời sống hiện đại.

Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội truyền thống


Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống là hai nhiệm vụ song hành, không thể tách rời trong bối cảnh hiện đại. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu văn hóa, bảo tồn lễ hội không chỉ là việc duy trì các nghi thức cổ truyền mà còn là việc bảo vệ không gian văn hóa, duy trì ký ức cộng đồng và bản sắc địa phương. UNESCO cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn di sản phi vật thể phải đi kèm với việc thích ứng với xã hội đương đại, đảm bảo rằng di sản tiếp tục có ý nghĩa với cộng đồng trong bối cảnh thay đổi liên tục.


Việc phát huy di sản luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo, để lễ hội không chỉ mang tính nghi thức mà còn có sức sống thực sự trong đời sống xã hội hiện đại, khi mà công chúng của lễ hội cũng có nhu cầu được “trẻ hoá”. Nhà nhân học Kirshenblatt-Gimblett đã chỉ ra rằng "di sản không chỉ là thứ để bảo tồn mà còn là nguồn lực có thể tái tạo và vận dụng để tạo ra giá trị mới". Điều này đặc biệt quan trọng khi xem xét sự phát triển của lễ hội trong bối cảnh kinh tế văn hóa và du lịch hiện nay.


Tại Việt Nam, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy lễ hội truyền thống. Một số lễ hội lớn như lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) hay hội Gióng (Hà Nội) vẫn duy trì các nghi lễ quan trọng, giúp cố kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đồng thời, các chương trình giáo dục di sản đã được tổ chức tại nhiều trường học nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị văn hóa của lễ hội. Việc số hóa tư liệu lễ hội cũng đang được triển khai nhằm lưu giữ ký ức văn hóa và tạo ra nền tảng nghiên cứu lâu dài.


Bên cạnh đó, nhiều lễ hội đã có những bước tiến trong việc kết hợp với du lịch và nghệ thuật trình diễn. Chẳng hạn, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tái hiện nghi thức rước kiệu mà còn lồng ghép các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giúp du khách tiếp cận di sản theo cách sinh động hơn. Mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm lễ hội, như tại chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), đã góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc nhưng đồng thời cũng tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.


Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang ở giữa lộ trình hoàn thiện chiến lược bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống. Một số lễ hội đã có những thành công nhất định trong việc bảo vệ bản sắc và kết hợp phát triển, nhưng vẫn còn những thách thức lớn như sự thương mại hóa quá mức, nguy cơ biến tướng nghi lễ và thiếu sự giám sát chặt chẽ trong tổ chức. Bài toán đặt ra là làm sao để bảo tồn mà không làm đóng băng di sản, đồng thời phát huy nhưng không làm mất đi giá trị cốt lõi của lễ hội. Đây sẽ là định hướng quan trọng để đảm bảo lễ hội truyền thống tiếp tục là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa Việt Nam trong thời đại mới.


Công nghiệp văn hóa và bài toán thương mại hóa lễ hội truyền thống


Lễ hội truyền thống từ lâu đã mang tính thiêng, gắn liền với các yếu tố tâm linh và tín ngưỡng cộng đồng. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, việc giữ gìn "tính thiêng" của di sản đang đối mặt với những thách thức lớn từ thương mại hóa và sự tác động của kinh tế thị trường. Một số lễ hội truyền thống như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh hay hội chọi trâu Đồ Sơn đã gây ra nhiều tranh cãi về tính nguyên gốc (authenticity) cũng như vai trò của nghi lễ trong đời sống đương đại. Một mặt, các nghi lễ này phản ánh thế giới quan và phong tục của người dân địa phương; mặt khác, chúng cũng bị chỉ trích là phản cảm hoặc không còn phù hợp với xã hội hiện nay.


Việc thương mại hóa lễ hội không chỉ dừng lại ở việc bán các vật phẩm tâm linh mà còn liên quan cách mà lễ hội được "tạo dựng" để phục vụ nhu cầu du lịch và giải trí. Nhiều lễ hội có xu hướng thương mại hóa lòng tin, biến lễ hội thành không gian kinh doanh "niềm tin" thông qua các hình thức như bán ấn, bán bùa hộ mệnh, hay tổ chức những hoạt động mang tính thương mại hóa quá mức. Điều này đặt ra câu hỏi: làm thế nào để khai thác giá trị kinh tế của lễ hội mà không làm mất đi bản sắc thiêng liêng vốn có?


Dù vậy, một số mô hình mới đang xuất hiện để kiểm soát vấn đề này. Chùa Tam Chúc (Hà Nam) đã áp dụng hệ thống thanh toán điện tử, hạn chế tiền mặt để giảm thiểu những tiêu cực trong không gian tín ngưỡng. Bên cạnh đó, chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng triển khai các biện pháp quản lý dịch vụ du lịch tâm linh theo hướng văn minh hơn, hạn chế tình trạng chèo kéo khách và bán hàng tràn lan.


Ngoài ra, lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đã có những cải tiến trong công tác tổ chức, như tăng cường hướng dẫn du khách thực hành tín ngưỡng một cách đúng mực và giảm thiểu tình trạng đổi tiền lẻ tràn lan. Một số địa phương đã thử nghiệm quy hoạch lại khu vực kinh doanh, chỉ cho phép bán hàng trong những khu vực được chỉ định để tránh xâm phạm không gian thiêng của lễ hội.


Nhìn chung, thương mại hóa lễ hội là một xu thế khó tránh trong bối cảnh phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa. Nhưng nếu không có sự quản lý phù hợp, điều này có thể làm biến đổi bản chất của di sản văn hóa. Việt Nam cần có những chính sách linh hoạt để vừa khai thác tiềm năng kinh tế của lễ hội, vừa giữ gìn được giá trị nguyên bản và không gian linh thiêng của di sản, đảm bảo rằng lễ hội không chỉ còn là một sự kiện thương mại, mà vẫn giữ được tinh thần văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc của cộng đồng.

Bảo tồn tính nguyên gốc và sáng tạo trong lễ hội truyền thống


Việc bảo tồn tính nguyên gốc của lễ hội truyền thống là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, một lễ hội được coi là nguyên gốc không chỉ dựa vào hình thức nghi lễ mà còn phụ thuộc vào cách cộng đồng địa phương tổ chức, tham gia và truyền thừa giá trị văn hóa của nó. UNESCO cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn di sản phi vật thể không chỉ là giữ nguyên hiện trạng mà còn phải đảm bảo khả năng thích nghi để tiếp tục có ý nghĩa với đời sống cộng đồng.


Một ví dụ tiêu biểu là lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Mặc dù vẫn giữ được những nghi thức chính như rước kiệu, tế lễ, diễn xướng trận đánh của Thánh Gióng, nhưng những năm gần đây, một số biến đổi trong cách tổ chức đã làm dấy lên tranh luận về việc liệu lễ hội có đang dần mất đi bản sắc gốc. Một số ý kiến cho rằng cần có chiến lược bảo tồn nghiêm túc, trong khi số khác nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh phù hợp với bối cảnh đương đại là điều tất yếu để lễ hội không trở nên xa lạ với thế hệ mới.


Bên cạnh bảo tồn, sự sáng tạo trong lễ hội truyền thống cũng là một yếu tố quan trọng để giúp lễ hội tiếp tục sống động và thu hút thế hệ trẻ. Một số lễ hội như lễ hội Áo dài ở Huế hay lễ hội Kinh đô ánh sáng ở Hội An đã có những sáng tạo trong cách thể hiện, vừa mang giá trị văn hóa vừa hấp dẫn du khách. Lễ hội Hoa Ban ở Điện Biên, vốn là lễ hội của đồng bào Thái, nay được kết hợp với các hoạt động nghệ thuật đương đại, hội chợ du lịch và các sự kiện thể thao, góp phần gia tăng giá trị văn hóa và kinh tế.

TS. Trịnh Lê Anh

Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội


trong Tin tức
Văn hóa du lịch Đồ Sơn 20 tháng 2, 2025
Chia sẻ bài này
Tag
Lưu trữ