Những con số ấn tượng
Lượng khách du lịch đến với Đồ Sơn liên tục tăng trong những năm gần đây
Là bán đảo cách trung tâm thành phố Hải Phòng 22 km về phía Đông, Đồ Sơn nổi tiếng với cảnh quan "sơn thủy hữu tình" với 22,5 km bờ biển trải dài có nhiều bãi tắm đẹp, địa hình đồi núi, rừng cây nối tiếp nhau vươn dài ra biển.
Ngoài ra, Đồ Sơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa. Tại đây có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, có thể kể đến Chùa - Tháp Tường Long, Di tích bến tàu không số K15, Di tích Kho Xăng, Di tích bến Nghiêng… Đặc biệt, Đồ Sơn còn có Lễ hội chọi trâu truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các sản vật của địa phương như trà Núi Ngọc, cá thu một nắng, mắm chắt, bánh cuốn nhân tôm…
Trên cơ sở đó, Đồ Sơn phát huy các thế mạnh: Du lịch lễ hội để thu hút khách du lịch vào mùa xuân; Du lịch biển đảo để thu hút du khách trong mùa hè; Du lịch thể thao, hội nghị, hội thảo, sinh thái - trải nghiệm thu hút khách du lịch vào mùa thu - đông. Qua đó, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Đồ Sơn vào tất cả các mùa trong năm.
Những năm qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và thành phố, cùng sự cố gắng, nỗ lực của địa phương, du lịch Đồ Sơn dần thoát khỏi tình cảnh “mùa vụ”. Trong đó, nhiều điểm đến, dịch vụ phục vụ du khách quanh năm đã được đầu tư, xây dựng; các hoạt động khai thác du lịch đã được tăng cường, đẩy mạnh, kết quả hoạt động du lịch đã gia tăng với tốc độ khá cao.
Theo thống kê, năm 2020, tổng lượng khách du lịch đạt 1,959 triệu lượt, tăng 75,35% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.100 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách du lịch giảm, đạt 1,280 triệu lượt, bằng 55,65% kế hoạch, bằng 65,34% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.020, bằng 92,73% so với năm 2020.
Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đạt 1,930 triệu lượt, tăng 50,78% so với năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.760 tỷ đồng, tăng 72,54% so với năm 2021. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 2,9 triệu lượt, tăng 52,85% so với năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 28,98% so với năm 2022.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2024, khu du lịch Đồ Sơn được thành phố công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, cùng với đó hệ thống các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chất lượng cao đi vào hoạt động đã thu hút gần 3,8 triệu lượt khách đến Đồ Sơn.
Mức độ gia tăng lượng khách và doanh thu về du lịch qua các năm ở mức khá, bình quân 8,58%/năm cho cả giai đoạn 2020 - 2024 đối với lượng khách du lịch và 15-18%/năm đối với doanh thu về du lịch trên địa bàn quận.
Sự gia tăng về số lượng khách và doanh thu được thể hiện cho tất cả các loại hình dịch vụ du lịch có trên địa bàn. Đặc biệt trong số các loại hình du lịch, du lịch sinh thái, biển đảo có quy mô lớn, với khoảng 50% số lượng du khách đến Đồ Sơn, tiếp đến là du lịch văn hóa, tâm linh chiếm khoảng 20% du khách, du lịch lễ hội với khoảng 15% lượng du khách, du lịch hội thảo, hội nghị với khoảng 10,0% du khách và du lịch nghỉ dưỡng, thể thao với khoảng 5,0% du khách. Trong số các loại hình du lịch, du lịch sinh thái, biển đảo là loại hình du lịch truyền thống, được duy trì từ lâu.
Vẫn còn những khó khăn, hạn chế
Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn cho biết, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, lượng du khách đến Đồ Sơn trong mùa thấp điểm vẫn còn nhiều hạn chế.Dù được Trung ương, thành phố quy hoạch phát triển du lịch Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc gia theo hướng đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại và du lịch lịch sử - văn hoá nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức; việc kết nối hoạt động du lịch giữa Đồ Sơn với các địa phương mới chỉ là bước đầu, nhất là kết nối theo các tua, tuyến. Hầu hết các kết nối còn mang tính tự phát, chủ động của các doanh nghiệp, cá nhân.
Hoàng hôn trên biển Đồ Sơn
Du lịch của quận Đồ Sơn vẫn còn mang tính mùa vụ cao, chủ yếu tập trung vào mùa hè, vào khoảng 6 - 8 tháng/năm gắn liền với các hoạt động khai thác du lịch biển, nên hệ số sử dụng các cơ sở dịch vụ thấp. Vào mùa vụ du lịch, Đồ Sơn các cơ sở lưu trú có thể sử dụng hết công suất, nhưng vào các tháng mùa thấp điểm, mùa đông đa số phòng trống, không có khách lưu trú.
Thêm vào đó, tuy sản phẩm du lịch có được xác định theo 5 nhóm, nhưng thực chất sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có “điểm nhấn” để thu hút khách. Một số sản phẩm du lịch còn hạn chế bởi các quy định pháp lý. Casino là hoạt động có sức thu hút du khách, nhưng chỉ dành cho người nước ngoài, chỉ có khách hàng có hộ chiếu nước ngoài, nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam mới được phép tham gia chơi tại các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino.Trong khi nhu cầu vui chơi của bộ phận dân cư có thu nhập khá và cao trong nước là nhiều.
Mặt khác, sức cạnh tranh của sản phẩm và môi trường hoạt động du lịch thấp. Du lịch Đồ Sơn có lịch sử và truyền thống lâu đời, có thương hiệu từ những năm đầu của thế kỷ XX. Tuy nhiên so với một số địa phương có biển khác như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…các sản phẩm du lịch gắn với biển chưa thật có nhiều lợi thế vì bãi biển hẹp, nước đục do phù sa. Các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh quy mô nhỏ, chưa có sức thu hút lớn như các địa phương lận cận. Những hoạt động du lịch hội nghị, hội thảo quy mô nhỏ, chưa có các hoạt động dịch vụ đi kèm để gia tăng lưu trú.
Cùng với đó, tầng và một số cơ sở du lịch mới được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, so với các địa phương khác mức độ đầu tư hạ tầng vẫn chưa bằng, còn ít và tốc độ đầu tư chậm so với yêu cầu thực tế, thậm chí so với dự kiến đầu tư…
Giải pháp căn cơ phát triển du lịch Đồ Sơn trong mùa thấp điểm
Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng là một điểm sáng thu hút du khách đến Đồ Sơn trong suốt 4 mùa
Với định hướng xây dựng Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hấp dẫn và thân thiện, quận Đồ Sơn đang nỗ lực thay đổi, phấn đấu trở thành điểm sáng về du lịch 4 mùa, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế.
Do vậy, bên cạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý nhà nước về du lịch (Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; các văn bản chỉ đạo quản lý trong các lĩnh vực về ANTT, ATGT, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, bình ốn giá, phòng chống dịch bệnh ...); thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành; tăng cường quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú du lịch trên địa bàn; quận Đồ Sơn còn chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch; quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trong hoạt động du lịch, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên môn nghiệp vụ lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu của du khách.
Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn nhấn mạnh, quận tiếp tục tập trung cao khai thác, phát huy những giá trị riêng có của vùng đất có từ lâu đời và trầm tích lịch sử, văn hóa với nhiều giá trị lớn. Qua đó, tạo nên những sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút du khách như: Du lịch sinh thái biển - đảo; du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội, thể thao; du lịch hội nghị - hội thảo, nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, quận quảng bá rộng rãi các điểm du lịch nổi tiếng tại Đồ Sơn như: Quần thể đa búp đỏ có niên đại hơn 500 năm, chùa tháp Tường Long có lịch sử từ thời nhà Lý, Bến K15 - nơi xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển, chùa Hang - nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo đường biển... để du khách có thêm nhiều khám phá, trải nghiệm vùng đất độc đáo này.
“Với hệ sinh thái rừng ngặp mặn Bàng La có diện tích 375,15 ha, cùng hệ thực vật phong phú với nhiều cây đa dạng về tầng tán, cảnh quan như cây bần chua, trang, sú vẹt, đước… góp phần tạo nên cảnh quan sinh thái, mở ra tiềm năng khai thác du lịch sinh thái bền vững cho khu du lịch. Đây cũng là hướng đi mới mà chúng tôi đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để đưa vào phục vụ du khách trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn cho biết thêm.
Nguồn ANHP (Liêm Đoàn)
Quận Đồ Sơn: Nỗ lực tìm giải pháp kích cầu du lịch mùa thấp điểm