Năm Giáp Thìn 2024 được nhiều người mong đợi, bởi rồng được xem là biểu tượng cho may mắn, đặc biệt tốt lành.
Không chỉ có các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản mới tôn kính linh vật này. Ở những nước phương Tây, rồng cũng gắn liền với sức mạnh tâm linh.
Rồng trong văn hóa Việt Nam
Rồng là linh vật mang ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt.
Người Việt từ xa xưa đã tự hào là "con Rồng, cháu Tiên". Rồng là đại diện cho sức mạnh tâm linh, quyền uy và may mắn. Ở các thời Lý, Trần, Lê, rồng luôn được đặt ở những vị trí trang trọng tại các công trình kiến trúc và nghệ thuật. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, hình ảnh rồng được khắc họa với các đặc điểm khác nhau.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, trong văn hóa Việt Nam, rồng không chỉ đơn thuần là một biểu tượng mà còn mang những giá trị tinh thần sâu sắc và ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự nối kết giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng tự hào của người Việt trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội. Biểu tượng rồng qua thời gian và không gian lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, kết nối hiện tại và hội nhập văn hóa thế giới.
Rồng Trung Quốc
Theo South China Morning Post, người Hoa tự nhận mình là hậu duệ của rồng. Văn hóa rồng ở Trung Quốc đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Thanh (1644-1911). Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, rồng đại diện cho quyền lực, tượng trưng cho sự huyền bí và uy quyền, việc sử dụng họa tiết rồng chỉ dành cho hoàng gia. Số lượng móng của một con rồng có thể thay đổi tùy theo cấp bậc của hoàng gia, chỉ có những hoàng đế mới xứng đáng với họa tiết rồng vàng 5 móng; các hoàng tử chỉ mặc áo thêu rồng 4 ngón.
Họa tiết rồng trên các phần của cùng một chiếc áo choàng cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Đầu rồng trên ve áo hoàng đế hướng lên trên, tượng trưng cho một con rồng đang bay. Nghĩa là hoàng đế giống như rồng ngẩng cao đầu, được dân chúng ủng hộ.
Rồng Nhật Bản
Rồng trong văn hóa Nhật Bản là sự hòa trộn giữa văn hóa địa phương và Trung Quốc. Rồng Nhật Bản được mô tả vừa là vị thần gắn liền với mưa và nước, vừa là biểu tượng của biển, sông và núi. Cũng có huyền thoại về rồng sống trong ao hồ gần các ngôi đền. Trong chiến tranh, rồng còn là biểu tượng của người bảo vệ và sự chiến thắng. Trái ngược với mối liên kết mãnh liệt giữa rồng và hoàng đế trong văn hóa Trung Hoa, rồng Nhật Bản lại được gắn nhiều hơn với các công chúa. Trong thần thoại Nhật, nhiều câu chuyện mô tả mối liên hệ giữa rồng và các nhân vật nữ.
Ví dụ, Kiyohime, trong “Công chúa thuần khiết”, đã đem lòng yêu một tu sĩ Phật giáo trẻ tuổi. Sau khi bị anh lừa dối, cô học phép thuật, biến thành rồng và giết anh.
Rồng xứ Wales
Rồng đỏ là biểu tượng của chiến thắng và lòng dũng cảm trong văn hóa xứ Wales. Vào thế kỷ 12, truyền thuyết về vua Arthur có nhắc đến hai con rồng khổng lồ màu đỏ và trắng. Màu đỏ đại diện cho người Celt xứ Wales, trong khi màu trắng đại diện cho người Saxon ở Anh. Hai con rồng đánh nhau và cuối cùng rồng đỏ đã đuổi được rồng trắng.Truyền thuyết này là ẩn dụ cho lịch sử kháng chiến ngoan cường của người Celt chống lại người Saxon. Con rồng đỏ đã tạo nên hoa văn bắt mắt trên lá cờ xứ Wales và cũng xuất hiện trên quốc huy của vị vua gốc xứ Wales Henry VII của Anh.
Những con rồng Bắc Âu
Có nhiều truyền thuyết về rồng trong văn hóa Scandinavia (gồm Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển). Rồng thường tượng trưng cho khủng bố, hủy diệt và tham lam.
Một con rồng Scandinavia nổi tiếng là Fafnir - rồng khổng lồ trong thần thoại Bắc Âu. Nó có móng vuốt, cánh và vảy sắc nhọn mà vũ khí thông thường không thể xuyên thủng, có thể thở ra lửa. Fafnir canh giữ một kho báu và cuối cùng bị anh hùng Sigurd đánh bại. Người Scandinavi sợ rồng nhưng cũng tôn trọng sức mạnh của chúng. Trong mắt họ, rồng là sinh vật mạnh mẽ, là hiện thân của sự hỗn loạn và hủy diệt. Nhìn thấy một con rồng cho thấy một kỷ nguyên bạo lực và hỗn loạn đang đến.
Rồng Bhutan
Vương quốc Bhutan là một quốc gia nhỏ ở phía đông dãy Himalaya, nơi thường xuyên có thời tiết khắc nghiệt. Vào thời cổ đại, bất cứ khi nào người Bhutan nghe thấy tiếng sấm, họ sẽ giải thích đó là tiếng rồng gầm.
Người Bhutan rất yêu rồng. Họ tin rằng rồng kiểm soát giông bão và là một sinh vật tốt lành, việc tôn trọng rồng sẽ mang lại thời tiết tốt và mùa màng bội thu. Người dân Bhutan gọi đất nước của họ là Druk Yul, "Vùng đất của Rồng Sấm". Quốc kỳ nước này có hình con rồng trắng trên cánh đồng màu vàng, tượng trưng cho quyền lực đế quốc và màu cam tượng trưng cho sức mạnh tâm linh của Phật giáo. Con rồng ở giữa lá cờ cầm trong mỗi móng một quả cầu màu trắng sáng; chúng tượng trưng cho quyền lực và sự thánh thiện.
Nguồn znews.vn
Ý nghĩa của rồng trong các nền văn hóa Đông, Tây